Họ từ bỏ Trung Hoa Đại Lục,đi tha phương cầu thực trong kiếp sống của đoàn lưu dân và đến định cư trên nhiều vùng Đông Nam Á. Từ những quan lại, trí thức họ đã trở thành những nhà kinh doanh cực kì thành công với phương châm 'Phi thương bất phú'. Những biến cố lịch sử khi người Mãn Châu thống nhất Trung Nguyên hay việc Tưởng Giới Thạch thất thủ buộc rất nhiều người Hoa đã phải ra đi tìm miền đất hứa. Không ít trong số họ đã trở thành những triệu phú lừng danh trên đất Việt
1.Tiểu phú do Cần. Đại phú do Trời
Tính tiết kiệm được người Hoa đặt lên hàng đầu. Cần kiệm được coi kim chỉ nam của họ. Người Hoa có câu ngạn ngữ "Trời chỉ cho ta 1 phần, 9 phần còn lại ấy do ta". Chính là Cần và Kiệm hay cần lao và tiết kiệmCần lao là một đức tính tốt đẹp của người Hoa.
Họ sống trên đất khách quê người nên việc cần cù lao động là điều cần thiết để sinh tồn trong một cộng đồng cư dân mới.Từ những bậc quan lại, trí thức nho học vì cuộc mưu sinh họ sẵn sàng dấn thân để thích nghi với cuộc mưu sinh bằng những công việc nặng nhọc dùng sức tay chân. Khác với những nhà hủ nho nước ta chỉ chăm chú vào bút nghiêng, văn chương thi phú, cả ngày chỉ luận cổ suy kim đến độ dẫu cơ hàn cũng không từ bỏ cái khí phách ấy. Thậm chí như cụ Tú Xương nhà ta, ngồi viết thơ mà vợ phải tảo tần mưa nắng
Quanh năm buôn bán ở nom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lại nói, người Hoa tập tính tiết kiệm trở thành một truyền thống gia đình.
Viết đến đây tôi sực nhớ cái món cháo trắng hột vịt muối của anh bạn người Triều Châu lúc còn sinh viên. Cả nhà quây quần bên nồi cháo trắng, dăm ba cái hột vịt muối, bầy trẻ cũng hí hửng húp cháo, thế là xong bữa điểm tâm. Có lần tôi hỏi hắn :" Sao thích ăn cháo nhạt vậy ông".
Anh bạn cười khẽ,rồi thích thú: - Sáng ăn cháo nhẹ bụng,ít bệnh. Ăn cháo ba năm xây nhà đó ông.Thật đáng nể cho cái tầm nhìn chiến lược của anh bạn người Triều Châu.
2. Ăn cho buôn so
Người Hoa tập cho trẻ con tham gia lao động rất sớm. Chúng được tập tành kinh doanh từ những bài học của cha mẹ. Ví như, chúng phải tập làm quen với việc tính toán cùng những con số từ bé. Người lớn hay sai trẻ nhỏ đi mua đồ và hay đưa chúng số tiền lớn hơn món hàng để chúng tự đếm tiền thừa coi có chính xác hay không, cũng như buộc chúng phải nhớ giá cả của món hàng ấy. Một cách rèn luyện sự nhạy bén cho một doanh nhân tương lai.
Qua đó, thể hiện được cách mà người Hoa quý trọng đồng tiền. Vì tiền là kết quả của quá trình lao động khó nhọc, không được phép phung phí.Vào một căn nhà lụp xụp của người Hoa, bạn chớ nhìn mặt mà bắt hình dong, không chừng họ có cả khối tài sản lớn nằm trong ngân hàng hay két sắt. Đối với họ không có gì là cho không.
Tất cả đều phải được quy đổi bằng sức lao động. Cụ thể là tiền. Bạn đến một gian hàng người Hoa, người ấy thân thiết với bạn và muốn tặng bạn một món đồ trong gian hàng họ cũng yêu cầu bạn phải trả tiền, dù chỉ là một đồng tượng trưng.
Việc làm chứng tỏ họ coi trọng việc kinh doanh và hàng hóa của mình. Một quy luật bất di bất dịch trong kinh tế học mà một đứa trẻ con người Hoa đều thấu triệt TIỀN-HÀNG-TIỀN.
Với họ mục đích sử dụng đồng tiền rất rõ ràng. Khi có tiệc tùng, hội đám họ không tiếc mở hầu bao nhưng đối với việc kinh doanh thì 1 xu cũng không được phép lãng phí. Tiền là phương tiện chứ không phải là chủ nhân của họ mà ngược lại họ dùng kĩ năng kinh doanh để buộc đồng tiền làm nô lệ cho mình, TIỀN phải sinh TIỀN.
3. Giáo dục từ thực tiễn
Người Việt chú trọng giáo dục, đặc biệt là học vị. Khi hai bà nội trợ trò chuyện về con cái họ sẽ thường đặt câu hỏi là Cháu học trường nào ? Trường điểm hay trường thường ? Có đạt học sinh giỏi không ?...Và một tư tưởng được gieo vào đầu trẻ nhỏ là muốn có vị trí trong xã hội buộc phải có giấy thông hành là Bằng Cấp. Thậm chí, có gia đình còn coi việc học của con cháu là việc tiến thân trở thành ông nọ bà kia hoặc đó là niềm vẻ vang của gia tộc.
Người Hoa thì ngược lại. Trẻ con được dạy qua nhưng bài học buôn bán sơ đẳng hay theo nghề gia truyền. Chúng buộc phải phụ cha mẹ chăm lo công việc buôn bán hay phải tham gia vào các công xưởng để được rèn luyện và tích lũy những kinh nghiệm thực tế hàng ngày. Họ quan niệm muốn làm chủ giỏi phải làm công tốt trước. Có lẽ, từ những ý niệm ấy đã hình thành sự đam mê kinh doanh trong ý thức của các thế hệ người Hoa khắp Nam kỳ lục tỉnh.Một thanh niên người Hoa dẫu có học đại học cũng quyết quay về gìn giữ nghề gia truyền của gia đình, cái nôi mưu sinh do cha ông khó công gầy dựng. Với họ không gì quý hơn là nghề nghiệp, như cái câu "nhất nghệ tinh nhất thân vinh".
Quan trọng hơn, họ xem kiến thức giáo dục phải mang lại hiệu quả trong kinh doanh chứ không phải mang tính chất mơ hồ, lý thuyết.Tôi may mắn có nhiều người bạn Hoa. Có lần, tôi hỏi một anh sinh viên rằng sau khi tốt nghiệp Đại học kinh tế định xin việc ở đâu ? Anh không ngần ngại trả lời về bán hủ tiếu phụ ông già.
Lúc ấy, tôi nghĩ anh chàng này quả thật anh chàng này không có chí cầu tiến nhưng bẵng đi vài năm tôi mới hay anh giờ là chủ một nhà hàng thức ăn Hoa.Việc học trong cộng đồng Hoa kiều được xem như công cụ hỗ trợ lập nghiệp dựa trên nền tảng là kinh nghiệm của cha ông.
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường họ đã ý thức được rằng làm sao để tự lập về kinh tế mới là điều quan trọng. Ấy thế, hiếm khi ta bắt gặp việc thất nghiệp với họ.Trong khi với người Việt, khi ra trường đều thiếu kinh nghiệm trong môi trường làm việc mới thì họ đã có hành trang được tích lũy từ lâu từ kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nắm bắt thị trường, kỹ năng cơ bản trong các nhóm nghề kỹ thuật.
4. Nhất cận thị, nhị cận giang
Với Sài Gòn Gia Định cũng như Nam Kỳ lục tỉnh thuở xưa thì việc giao thông trên bằng được xem như phổ biến hơn nhất. Vì vậy, có cả một hệ thống kênh rạch để thuyền ghe đi lại vận chuyển hàng hóa. Hàng loạt các địa danh đến nay vẫn còn như Bến Thành, Bến Nghé, Bến Phú Lâm, Bến Bình Tây,.. là những chốt giao thông bằng đường kênh dựa trên con sông Sài Gòn. Từ đây, có thể giao lưu hàng hóa khắp Đông và Tây nam bộ bằng thuyền ghe. Như câu ca dao
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về
Trên những điểm giao lưu ấy nhiều chợ đã được hình thành. Ngày nay, ngay cả khu chợ Lớn vẫn bên cạnh con kênh Bình Tây có thể thông với trục chính của con sông Sài Gòn.
Chính vì thế, phương châm chọn vị trí kinh doanh tối ưu nhất với người Hoa là "Nhất cận thị, nhị cận giang" tức "Thứ nhất là gần chợ, thứ hai là gần sông".Và điều dễ chú ý với cộng đồng người Hoa hải ngoại là đi đâu thì lập chợ đến ấy.
Trong khu vực Đông Nam Á, nhiều khu vực thương nghiệp của người Hoa vẫn còn hoạt động rất phát triển cho đến ngày nay. Như trước đây, có lúc người ta đã ví khu chợ Lớn là một Hồng Kông thứ hai của châu Á vì tốc độ phát triển nơi này không thua kém gì những nơi phồn hoa đô hội của vùng viễn đông. Không ít những tên tuổi triệu phú lừng danh xuất thân lập nghiệp tại nơi này.
5. Cô độc dĩ nan
Người Hoa quan niệm bạn không thể thành công nếu đơn thương độc mã. Chính vì thế yếu tố đoàn kết cộng đồng được đưa lên đầu. Khi di dân đến đâu họ đều thành lập các hội đoàn hay thương hội nhằm mục đích giúp đỡ tương trợ nhau. Đến nay, tại Sài Gòn ta vẫn còn bắt gặp những hội quán như Phúc Kiến,Triều Châu,...
Các Hội quán này có thể giúp đỡ những người họa nạn, hỗ trợ việc kinh doanh của nhau,thậm chí là hỗ trợ vốn cho một người Hoa khởi nghiệp.Họ hầu như sống quây quần theo cộng đồng nhóm dân cư và vẫn giữ được ngôn ngữ cũng như những nét đặc trưng trong văn hóa của mình.
Một người Quảng Đông từ Sài Gòn đi đến Hồng Kông thì không khác gì trở về nhà.Tư tưởng "Buôn có hội, bán có phường" là truyền thống kinh doanh của người Hoa. Bạn có thể thấy có khi cả một dãy phố họ toàn bán hủ tiếu, văn phòng phẩm, thuốc Đông Y,...Như chúng ta nghĩ càng đông người bán một mặt hàng thì tỷ lệ cạnh tranh càng cao nhưng người Hoa thì nghĩ ngược lại khi tập trung buôn bán cùng một mặt hàng tại một khu vực thì sức bán sẽ cao hơn vì nó tạo ra sức hút khách hàng cao hơn khi họ có nhiều sự lựa chọn về một món hàng.
Việc quần tụ kinh doanh cũng giúp họ hỗ trợ nhau khi có những cuộc khủng hoảng về giá hay về nguyên liệu hoặc lớn hơn là tạo một sức mạnh tập thể trước những đối thủ kinh doanh khác.Sự phát triển, tồn vong của một cá thể luôn gắn liền với vận mệnh của cộng đồng.
6. Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy
Một lời nói thì bốn ngựa đuổi không kịp. Với người Hoa giữ lời hứa nay nói cách khác giữ uy tín trong kinh doanh là một tín điều bắt buộc. Họ thường thanh toán nợ đúng kỳ hạn hoặc hoành đúng đúng thời gian trên hợp đồng.Sở dĩ người Hoa có lợi thế trên con đường kinh doanh là vì họ luôn muốn giữ ấn tượng tốt đẹp trong mắt các đối tác bằng chữ Tín.
Bởi thế, trong cộng đồng người Hoa có những mối quan hệ đối tác truyền từ đời này sang đời khác như một mắc xích.Việc bán phá giá nhằm thu lợi cho riêng mình cũng được xem như một hành vi tiểu nhân và chắc chắn sẽ bị tẩy chay, cô lập. Họ tôn trọng các giấy tờ, khế ước hoặc đó chỉ là lời nói miệng nên dù gặp bất lợi như thua lỗ trong một vụ kinh doanh cũng phải quyết giữ cho được lời hứa.Quân tử nhất ngôn.
Việc thay đổi lời nói hay "tiền hậu bất nhất"được xem như tối kị trong chiến lược kinh doanh của người Hoa. Chữ Tín chính là cách họ xác lập niềm tin với nhau bằng hành động sau lời hứa chứ không phải bằng những lời có cánh.Quả thật, "một lần thất tín vạn lần bất tin", nên ít có những vụ kiện tụng, tranh chấp khi kinh doanh trong tập thể người Hoa. Họ cũng mạnh dạn đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ về hợp đồng, giao kèo dựa trên nền tảng là lòng tin.
7. Trăm nghe không bằng một thấy
Người Hoa cho rằng mọi việc đều phảu được chứng minh bằng thực tế, hành động chứ không cần lời nói lý thuyết.Cách đây vài năm bạn thấy một vài người bán mũ bảo hiểm đem nón ra đập để chứng tỏ về chất lượng mũ cho người đi đường quan sát.Tuyệt chiêu này đã được người Hoa sử dụng trước đây.Các chủ doanh nghiệp nhựa cho nhân viên kinh doanh đi đến các khu phố vừa đi vừa đập các thau nhựa tạo ra những tiếng ồn vừa thu hút người qua lại vừa để cho thiên hạ tận mắt chứng kiến cái độ bền vô đối.
Khi họ đi chào một mặt hàng mới đến các chủ tiệm. Để tạo lòng tin về chất lượng sản phẩm của mình họ sẵn sàng ký gởi để bạn bán thử xem món hàng có thực sự khả thi hay không và sau đó sẽ thanh toán theo hình thức gối đầu, tức là trả tiềng hàng cũ và lấy hàng mới.
Đó cũng là một hình thức đưa sản phẩm ra thị trường nhanh nhất đồng thời cũng xây dựng một mối quan hệ làm ăn lâu dài thông qua hình thức gối đầu. Người thu hàng vào không mất vốn, người chào hàng lại bán được hàng, một cách mà đôi bên cùng có lợi.
Nguồn: https://www.ohay.tv/view/7-tuyet-ky-kinh-doanh-cua-nguoi-hoa-tren-dat-viet/5c9c2e7e50